Chào mọi người, bài này không nói về PTKT mà nó thiên về tâm lý, tư duy của mình trong trong việc phân tích ra quyết định đầu tư cũng như là trade mà mình muốn chia sẻ cho mọi người.
Mình biết mấy dạng bài kiểu này thì mọi người thường không thích. Mà cái số đông không thích, không muốn xem lắm thì người tạo nội dung không nên làm nhưng đây là cái theo mình là quan trọng mà mình cần phải viết để đưa vào trong series sổ tay trader để cân bằng với những yếu tố về phân tích kỹ thuật.
Với mình thì đầu tư nó cũng là 1 dạng trade nhưng mà là trade ở timeframe rất lớn. Nên về cơ bản đầu tư và trade nó không khác nhau nhiều, nó chỉ khác ở timeframe sử dụng và cách quản lý vốn. Thế nên mấy quy tắc sau đây, mình áp dụng cho cả việc đầu tư và trade.
1. Không có ai đúng ngoài mình
Đây là quy tắc quan trọng nhất và nếu muốn thành công trong ngành này thì ai cũng phải tuân theo. (Cái này các huyền thoại cũng nói rồi và mình chỉ là người chứng thực lại thôi nhé)
Ngoại trừ thời gian đầu tiên mới bắt đầu học, chưa có nhiều kiến thức thì cần phải tích lũy, học hỏi thì mình không nói. Nhưng khi học đến 1 ngưỡng nhất định (không cần quá giỏi), đến 1 ngưỡng mà bạn nhìn vào biểu đồ có thể tự phân tích và đưa ra được nhận định của mình thì đó là lúc bạn chỉ nên tin vào bản thân mình mà thôi.
Đôi khi việc phân tích, nhận định của bạn có thể đi ngược lại hoàn toàn nhận định của 1 pro nào đó nhưng đừng hoang mang vì chắc gì pro đó đã đúng.
Nói về việc chắc gì họ đã đúng thì mình cũng có 1 câu chuyện nhỏ muốn kể là cái đợt mình bỏ facebook vì quá nhiều cái toxic cũng như đợt đầu tham gia các group về forex thì toàn những bài gây fomo và tạo fud nên mình bỏ. Về sau khi kiểm soát được mấy cái tâm lý đó rồi thì mình mới dùng lại (Mình mới dùng lại cũng mới thôi). Thì khi dùng lại mình cần phải lọc hết những thành phần bạn bè toxic và những group về coin, forex mà mình đã tham gia ngày trước. Thế thì trong lúc đó thì trước đó mình có đọc qua vài bài, mình có đọc được nhận định của 1 bạn admin trong 1 group về coin, forex. Bạn ý nhận định về giá BTC. Thì khi giá từ 64K hồi về đến khoảng 42K bạn ý khuyên ae all-in với nhận định rất quả quyết. Cho rằng đó là đáy rồi, giả sử có downtrend thì nó cũng hồi về 42K đủ để cắt ra.
Một bạn admin khác ở 1 group khác lớn hơn gấp 3 lần group bạn admin kia thì khi giá sideway ở 30K thì lại nhận định sau đó nó sẽ giảm tiếp. Và ai cũng đều nhận định với ngữ điệu rất quả quyết và cuối cùng tất cả đã sai.
Việc 1 người đưa ra nhận định tăng hoặc giảm thì nếu nhận định đó tại keylevel thì xác suất đúng chỉ 50/50 dù đó là người nổi tiếng hay có thành tích quá khứ như nào đi chăng nữa. Vì thế mình mới đưa ra nội quy của hội quán là không đưa nhận định, share kèo vì chắc gì kèo của người khác đã đúng bằng kèo của bạn. Nhưng vì độ quả quyết của người nói mà làm bạn lung lay khiến từ việc bạn nhận định đúng thành sai. Và nếu nó tạo thành thói quen thì nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến khả năng phân tích của bạn. Làm chậm quá trình phát triển trong cách nhìn của bạn.
2. Mình đợi những khoảnh khắc, mình không đợi quá trình.
Trong đầu tư ở timeframe lớn hay trade ở timeframe nhỏ thì chúng ta đều phải đợi. Chúng ta đợi giá chạm điểm đặt lệnh, đợi giá chạm TP, đợi giá chạm SL, đợi thời điểm đóng nến M15, nến giờ, nến ngày, nến tuần, nến tháng. Chung quy lại là chúng ta chỉ đợi thời điểm, đợi khoảnh khắc.
Như việc mình đầu tư ở timeframe ngày thì trong ngày mình xem biểu đồ nến ngày hàng trăm, hàng ngàn lần đi nữa thì nó vẫn không bằng mình chỉ xem ở khoảnh khắc nến ngày đóng. Tức là thời gian mình dành để theo dõi biểu đồ cả ngày trong khi đang đầu tư ở tf ngày là vô nghĩa và làm tổn hại tinh thần cũng như gây ra những phán đoán sai.
Ví dụ đâu xa, BTC đợt vừa rồi giảm mạnh, mình xem biểu đồ tf H4 thì mình cần đợi nến H4 nó đóng mới đưa ra quyết định có nên giữ hay cắt không. Nhưng nếu bạn liên tục xem biểu đồ nến đang chạy. H4 chưa đóng thì lúc nó chạy nó tạo thành 1 cây nến đỏ thân dài nhìn rất dễ gây hoảng loạn. Cuối cùng lúc đóng nến nó lại chỉ là 1 cái râu nến. Tức là dành nhiều thời gian để theo dõi quá trình nến chạy là vô ích, gây lãng phí thời gian, dễ đưa ra quyết định sai và mang lại cho mình những cảm xúc không tốt.
Vì thế mình muốn cắt lỗ, muốn mua hay làm bất cứ điều gì thì chỉ cần đợi đúng thời điểm nến đóng mới đưa quyết định. Trade hay đầu tư ở timeframe nào thì chỉ đợi thời điểm đóng nến ở tìmeframe ấy. Còn thời gian nến đang chạy còn lại hãy tập trung vào cuộc sống bên ngoài thay vì cái biểu đồ nến.
3. Tập trung vào quá trình phân tích lệnh thay vì tập trung vào tiền
Mình thích tiền, mình quý đồng tiền nên mình có vạch sẵn kế hoạch quản lý tiền ở các hạng mục đầu tư và trade vì quản lý vốn nó quan trọng hơn cả phương pháp mà.
Nhưng trong quá trình trade thì mình tập trung vào quá trình mình phân tích và rút ra được cái gì từ mỗi lệnh thay vì tập trung vào số tiền kiếm được hoặc mất đi của cái lệnh đó.
Kể lại quá khứ 1 chút thì khi mới trade mình hay tính tiền, tính từ $ ra VND luôn kiểu như lệnh này mà thua thì mất 500K thắng được 3R thì được 1 triệu rưỡi. Rồi 500K là bằng tiền đổ xăng cả tháng, nên khi vào lệnh rồi giá di chuyển thì rất cảm xúc. Thắng hay thua thì vui hoặc buồn vì được tiền hoặc mất tiền nhiều hơn là được kinh nghiệm, kiến thức. Đây là cái khi nhìn lại mấy group facebook mình thấy con người mình ngày xưa ở trong đó. Trên những group đó chủ yếu là bài than cháy 1K$ cháy 5K$ cháy 10K$. Cứ có tin nonfarm vừa ra thì lại có 1 post của 1 ai đó hỏi có bao nhiêu ae ra đảo rồi. Rồi đến lúc mình cháy thì lại lên đó tìm những tin tức, tìm những người cũng cháy để cảm thấy xoa dịu là mình không cô đơn, số đông thậm chí có người còn cháy nặng hơn mình. Không biết ai giống mình ngày xưa không? Và cứ chìm mãi vào những nội dung như vậy từ dần dần hệ tư tưởng hình thành 90% thậm chí 99% là mất tiền. Mà đã có tư tưởng thất bại rồi thì làm việc sao thành công được.
May mắn về sau mình nhận ra được nên mình bỏ và mình không biết mọi người thế nào chứ mình chỉ có thể tập trung và làm tốt nhất 1 công việc trong cùng 1 thời điểm. Nên sau khi đã “trưởng thành” hơn mình chỉ tập trung vào quá trình phân tích lệnh. Vì mình biết là nếu đã có 1 phương pháp tốt, có đủ kinh nghiệm để hiểu thị trường và tạo ra bộ quy tắc của riêng mình thì tiền nó đến như 1 hệ quả của quá trình thôi.
Vì thế mình quản lý tiền ngay từ khi nạp vào trade, bỏ vào đầu tư, nạp vào trade bao nhiêu tiền, rủi ro % mỗi lệnh bao nhiêu, bỏ vào đầu tư bao nhiêu tiền, mua trung bình vốn ở đâu bao nhiêu, cứ cân nhắc thật kỹ để tạo ra được 1 tỉ lệ lợi nhuận / rủi ro vừa phải rồi sau đó chỉ tập trung vào quá trình phân tích thôi.
Đến khi nào mà bạn thấy mất tiền vì thua khi vào 1 lệnh đẹp mà cảm thấy vui hơn lúc kiếm được tiền khi vào 1 lệnh xấu thì đó là thời gian bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn ngày trước.
4. Lối sống tối giản - Minimalism
Mình theo lối sống tối giản, cái này có nhiều cái hay ho vì loại bỏ được 1 phần nào đó tham lam và sống vì vật chất của con người ở những thành phố lớn. Nhưng mình sẽ chỉ nói về cái hay ho cho dân đầu tư và trader thôi.
Trong đầu tư cũng như trade thì cái việc lên voi xuống chó là việc mà chúng ta thấy nhan nhản ngoài xã hội. Lên xuống là lẽ tất nhiên nhưng mình thích là đã cố lên được voi rồi thì khi xuống thì xuống tới hà mã, ngựa vằn thôi thì khi lên lại còn mới có thể lên được voi ma mút, chứ xuống tới chó thì lên lại cũng lâu đấy.
Nhưng kiểu gì trong sự nghiệp cũng sẽ có thời kì tài sản lên rất nhanh, tăng phi mã, rồi đến thời gì tài sản sẽ bị giảm, hoặc nếu giỏi thì nó chỉ đứng yên. Cái này thấy rõ rệt nhất ở những người đầu tư coin thời uptrend cũng như là người đầu tư chứng khoán đợt vừa rồi. Thế thì khi tài sản tăng nhanh, túi có nhiều tiền hơn thì việc chi tiêu cho những thứ mình thích là việc mà hầu như ai cũng làm. Và kéo theo đó là nâng mức sống của mình lên. Kiểu trước tiêu 1 tháng 10 triệu thì nay túi tiền nó to rồi nên tiêu mỗi tháng 20 triệu. Và khi mà đã quen với mức chi tiêu đó thì khi tài sản giảm hoặc không tăng thì nó tạo lên áp lực tới từ chính thói quen chi tiêu đó và mình sẽ phải luôn cố gắng để kiếm tiền phục vụ 1 thói quen đã hình thành. Trade thì khi giỏi nó đều đều không nói, nhưng trong mảng đầu tư thì không thể tránh khỏi thời gian tài sản bị giảm hoặc không tăng.
Vậy nên mình theo lối sống tối giản ngoài có giá trị thoải mái tinh thần thì trong tài chính nó giúp mình thoải mái cả trong thời gian tài sản không tăng trưởng. Vì khi đầu tư coin mình xác định mua nắm giữ xác định trước 3,4 năm không tăng mà.
Đó là tất cả nội dung của bài này. Mải viết thành ra dài dòng rồi.